"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng phòng tập lại có thể náo nhiệt như bây giờ khi khởi nghiệp cách đây 13 năm",ụnữTrungQuốcđổxôhọngoac tv Gong Jin, chủ phòng tập nói.
Các phòng tập boxing trên khắp Trung Quốc đang ghi nhận sự gia tăng đột biến của khách hàng nữ. Feiyi Tiger, một trong những chuỗi phòng tập thể dục hàng đầu nước này cho biết phụ nữ chiếm 70% số thành viên năm 2021. Các huấn luyện viên quyền anh ở Thượng Hải, Thái An và Hải Khẩu đều nói có nhiều khách hàng nữ hơn bao giờ hết.
Mao (biệt danh của Gong Jin) thành lập phòng tập boxing đầu tiên cho phụ nữ ở Thượng Hải sau khi giã từ sự nghiệp quyền anh chuyên nghiệp năm 2010. Cô cho biết công việc kinh doanh tiến triển tốt đến mức gần đây cô đã mở địa điểm thứ hai.
Ở Trung Quốc, xu hướng phụ nữ thích cơ thể "mình hạc xương mai" đang dần thay đổi, đặc biệt từ năm 2019, ngôi sao võ thuật tổng hợp (MMA) Zhang Weili trở thành nhà vô địch Ultimate Fighting Championship (UFC) đầu tiên của Trung Quốc. Thân hình cường tráng của Zhang cùng tinh thần dũng cảm của cô đã làm nên cuộc cách mạng thay đổi tư tưởng. "Tôi không nghĩ phụ nữ nên được định nghĩa theo một cách nhất định. Phụ nữ có thể là bất cứ ai, miễn là họ thích", cô nói trong một cuộc phỏng vấn.
Chen Qianyi, một người ủng hộ bình đẳng giới ở Trung Quốc, nói rằng Zhang đã trở thành hình mẫu cho phụ nữ trên khắp đất nước về kết hợp sức mạnh thể chất với sự tự tin và tự chủ.
"Chúng tôi không có loại biểu tượng nữ mạnh mẽ, năng nổ này ở Trung Quốc cho đến khi Zhang lên ngôi vô địch. Đối với nhiều người, Zhang đã dẫn đường cho phụ nữ tham gia các môn thể thao sức mạnh", Chen nói.
Giờ đây, phụ nữ Trung Quốc đang có cơ bắp săn chắc hơn bao giờ hết. Theo nền tảng thương mại điện tử JD.com, doanh số bán "thiết bị thể thao sức mạnh" cho nữ tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hastag "phụ nữ cơ bắp" có hơn 140 triệu lượt xem với hầu hết các bài đăng hàng đầu đều có hình ảnh phụ nữ gồng bắp tay và chia sẻ thói quen tập luyện.
Theo Chen, quyền anh là môn thể thao yêu thích của những phụ nữ đang cố gắng đạt được vóc dáng săn chắc. Những phụ nữ khác đang nói như một cách để tự vệ. "Bất cứ khi nào một vụ bạo lực giới tính cực đoan nổ ra, chúng tôi đều chào đón một làn sóng học viên mới", Mao cho hay.
Huấn luyện viên tên là Wang ở tỉnh Hải Nam, chia sẻ đã mở thêm lớp học tự vệ tại phòng tập đấm bốc của mình vì rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con gái học.
Nữ sinh đại học ở Thượng Hải tên Yu, 20 tuổi cho biết bố đã đăng ký cho cô tham gia một khóa học tại phòng tập đấm bốc của Mao. "Cha tôi nghĩ quyền anh ít nhất có thể giúp tôi học cách tự bảo vệ mình", cô nói.
Tuy nhiên xu hướng này đã gây ra làn sóng chế nhạo và chỉ trích từ một số đàn ông bảo thủ. Trong tiếng Hoa từ "nüquan" vừa mang nghĩa "nữ võ sĩ quyền anh", vừa có nghĩa "chủ nghĩa nữ quyền" khi nói to. Nhưng hiện nay các nhóm chống nữ quyền đã sử dụng thuật ngữ này như một cách để chế nhạo những nhà nữ quyền, với ngụ ý họ quá hiếu chiến.
Liu, một thanh niên 24 tuổi ở Thiên Tân thường xuyên lên mạng xã hội để chế nhạo các "nữ võ sĩ". Anh là thành viên của một trong những nhóm trực tuyến chống nữ quyền lớn nhất Trung Quốc trên diễn đàn Baidu.
"Vẻ ngoài lố bịch của các nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc hô khẩu hiệu của họ rất giống cách các võ sĩ đấm bốc nghiệp dư. Thật xấu xí và buồn cười", Liu nói.
Trên Weibo, tìm kiếm từ khóa "nüquan" chỉ gợi ý ít bài đăng về các trận đấu quyền anh nữ thực sự. Thay vào đó tràn ngập những bài tiêu cực liên quan đến giới tính.
Bất chấp phong trào phản đối, quyền anh nữ vẫn ngày càng phổ biến. Một số nhà hoạt động vì nữ quyền ở Trung Quốc đã bắt đầu tự hào gọi mình là "nữ võ sĩ" và khuyến khích người khác tham gia môn thể thao này.
Peng Qige, đồng sở hữu một cửa hàng bán hàng hóa nữ quyền trên Taobao, nói rằng một trong những mặt hàng phổ biến nhất của cô vào thời điểm hiện tại là nhãn dán có biểu tượng nắm đấm dành cho phụ nữ chơi quyền anh.
"Chúng tôi tạo ra nhãn dán này để khuyến khích mọi người viết lại định nghĩa về nüquantrong cuộc sống hàng ngày. Nüquankhông phải là một từ xấu. Nó phải là một huy hiệu danh dự dành cho những người đấu tranh chống lại những định kiến truyền thống áp đặt lên phụ nữ", Peng cho biết.
Đối với Chen, sự phổ biến ngày càng tăng của môn quyền anh nữ ở Trung Quốc đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ. "Nó giải phóng phụ nữ khỏi cái bẫy làm suy yếu bản thân, khuyến khích họ tự thân và trở nên mạnh mẽ, độc lập", cô nói.
Mao, chủ phòng tập đấm bốc, cũng đồng tình với quan điểm này. Khi cô bắt đầu tập luyện quyền anh thời còn niên thiếu, các bạn học khác thường chế nhạo cô vì làm "việc của đàn ông". Lúc đầu, những lời bình luận gay gắt, nhưng Mao vẫn tiếp tục tập luyện và dần dần yêu thích cảm giác bộ môn này mang lại. Nhiều học sinh của cô cũng đang bắt đầu cuộc hành trình tương tự.
"Quyền anh đã nâng đỡ phần mong manh nhất của tôi. Tôi hy vọng phòng tập này có thể giúp nhiều phụ nữ hơn có được cảm giác tương tự. Họ có thể và nên cảm thấy mạnh mẽ khi lên võ đài", cô nói.
Bảo Nhiên(Theo Sixthtone)